Sống chậm đã cứu bọn mình
Có một điều trái ngược là tớ đang ở trong một tâm trạng rất cục súc khi viết bài này. Vì đáng lẽ hôm nay - một ngày chủ nhật và cũng là một ngày sống chậm đỉnh cao của tuần nhưng sáng giờ tớ cứ loay hoay giữ cháu, đi chợ… hết cả buổi.
Đây là toàn bộ buổi sáng của mình trong 13s
Lại một bài viết về sống chậm nữa sao?
“Một đứa nhóc 23 tuổi thì biết gì về sống chậm cơ chứ” - các cậu sẽ tự hỏi.
Tuy nhiên, tớ lại thấy có một sự khác biệt lớn giữa 199x với những người sinh sau 2000. Cùng là GenZ, nhưng có lẽ theo thần số học, sự thay đổi của bốn con số gần như là khác nhau dẫn đến sự khác về suy nghĩ, lối sống.
Mình thấy lứa 97,98,99 có cho mình sự trưởng thành, ước mơ lớn với tầm nhìn thay đổi một thứ gì đó. Họ gần với millennials hơn, trưởng thành trong giai đoạn mà máy vi tính vừa ra đời, nên sự giao hợp giữa truyền thống và hiện đại vẫn còn trong họ.
Ngược lại, mình hay trò chuyện với những người sinh sau 2000 về cảm nhận của họ với mọi người, về những thứ tâm linh, huyền học, về tiềm thức và sự bình yên. Cái tôi của bọn mình có vẻ thấp hơn, có vẻ là ưa một mình, mơ mộng và dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh.
Nên có vẻ vì thế bọn mình bị cho là phụ thuộc, lười biếng.
Bài viết này chỉ là cảm nhận cá nhân của tớ sau khi trò chuyện với những bạn cũng tuổi hay nhỏ hơn (mình sinh 2001). Mình thu hút những người giống mình. Mình học trường quốc tế, học hành không quá xuất sắc và trân trọng những mối quan hệ. Vì thế, bài viết có thể thiếu góc nhìn khách quan, mong cậu có thể bỏ qua nhé.
Tớ chỉ muốn ổn định thôi: mức lương vừa đủ, cuối tuần với bản thân…
Đó là điều mà cô bạn làm từng làm intern chung ở một agency gia đình nọ nói với mình khi chỉ có cô lên làm chính thức và nghỉ việc sau đó 6 tháng. Ý là sau khi intern thì mình nghỉ, bạn í được lên chính thức nhưng 6 tháng sau bạn cũng nghĩ luôn :)
Một công việc trang trải đủ chi phí sinh hoạt, dư dả để có thể tiết kiệm hoặc gửi về cho gia đình để họ biết rằng mình đang ổn. Và điều quan trọng nhất là mình có thể yên tâm không nghỉ đến một ngày công ty tái cơ cấu, bạn bị thuyên chuyển hoặc tệ hơn là cắt hợp đồng.
Có thể một phần do dịch. Bọn mình đã bị dịch ảnh hưởng ngay năm đầu vào đại học, và điều đó đã nâng cao giá trị của tính ổn định.
Nó đã khiến bọn mình lo lắng về tương lai hơn. Lo lắng về tình hình kinh tế và liên tục nhận những thông tin cắt giảm từ thị trường lao động không khỏi khiến chúng mình bất an.
Mặc dù mình đã may mắn có công việc yêu thích. Nhưng bạn bè của mình hoặc những sinh viên khoá sau luôn bày tỏ nỗi sợ về burnout, hay đồng nghiệp, công việc không như mong muốn.
Nhưng mà sự thật là khi mình tìm được một công việc như vậy rồi á, mình chỉ muốn làm việc, cống hiến một cách giản đơn thôi. Đối với mình một ngày hạnh phúc, hiệu quả là có thể làm việc từ 9 giờ liên tục đến chiều tối, rồi sau đó mình có thể đọc sách, móc len hay đi tập thể dục.
Chỉ cần nghĩ tới tối nay ăn gì, hay sắp đến sinh nhật của ai, là mình đã cảm thấy cuộc sống thật tươi đẹp.
The Economist cũng nói rằng bọn mình ít muốn làm quản lý, có xu hướng khởi nghiệp, phát minh và sống cho hiện tại nhiều hơn.
Gần đây cũng có xu hướng giới trẻ thích làm những công việc truyền thống hơn, như làm nhà nước, làm vợ chẳng hạn. Mình nghĩ mình đã biết lý do rồi.
Chính sự chậm chạp đã cứu chúng mình
Mình giống như lúc nào cũng chậm một bước vậy:
Ở nhà, mình không lanh lợi hay giỏi trò chuyện với họ hàng như anh, chị mình
Nếu học đại học sớm hơn 1 năm, hay ra trường sớm hơn thì mình đã không chịu những tổn thất tâm lý từ dịch và có thể nắm bắt cơ hội khi thị trường còn phát triển.
Đi làm, mình mơ mộng đến ngày nghĩ, hay có tần suất nghỉ bâng quơ và rất khó tập trung. Không phải chối khi GenZ là thế hệ mất tập trung nhất.
Nhưng nhờ như vậy, bọn mình mới có nhiều thời gian hơn để ngẫm nghĩ về những điều bản thân mong muốn, quan tâm đến sức khoẻ và cuộc sống này hơn.
Một người bạn du học Úc của mình kể rằng sau khi trở về, bạn cảm thấy mất kết nối với những mối quan hệ trước. Bởi ai cũng kể về quá trình nộp đơn cho công ty A, tập đoàn B, tự học kỹ năng này nọ, khiến bạn cảm thấy lạc lỏng. Vì ở Úc, mọi người trân trọng giờ giấc, sức khoẻ lắm. Xong việc là họ về với gia đình. Tất cả đều mang một cảm giác chậm hơn hẳn.
Nhưng nhờ như vậy, những tháng cuối cùng, bạn ấy mới quyết định rằng mình sẽ phải tìm một công việc mang tới niềm vui, đúng với sở trường.
Nhờ như vậy, bạn cũng hiểu con đường của bản thân rất khác.
Nhờ như vậy, niềm tin của tụi mình lớn ơi là lớn. Rằng tụi mình sẽ có thể thật sự thay đổi điều gì đó về thị trường tương lai.
Lời nhắn nhủ sau chót:
Này cậu ơi,
Tất cả chúng ta đều đang lo lắng, vì trước mắt vẫn luôn là một màu đen mà chỉ có thể từng bước, từng bước đi tới.
Nhưng cũng theo thần số học, năm sinh của bọn mình nhiều số “0”, con số của tiềm năng, hy vọng. Và ngày tháng sinh của chúng ta cũng chứng minh rằng mỗi người có một lộ trình khác nhau.
Nếu chậm chạp là ưu điểm của cậu. Cậu sẽ không còn lo lắng, áp lực khi người khác chạy nhanh hơn, đạt thành tựu sớm hơn.
Cho dù cậu có mơ ước sau này giàu có, nhà xe, mong muốn một gia đình hạnh phúc, hay đơn giản chỉ cần sống an yên. Việc của cậu chỉ là kiên trì bước đi trên chính con đường của mình thôi nhé!